Ngoại thương Thương mại Đàng Ngoài thời Lê trung hưng

Khác với thời Lê Sơ thực hiện chính sách đóng cửa đối với ngoại thương, các chúa Trịnh thực thi chính sách mở cửa với nước ngoài. Ngoài những đối tác truyền thống từ phương Đông, thời kỳ này đã có thêm các đối tác từ phương Tây.

Các đối tác phương Đông

Trung Quốc

Việc buôn bán giữa người Việt và người Hoa trên đường bộ diễn ra thường xuyên dọc theo biên giới phía bắc. Hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là lâm thổ sản, hồ tiêu, cau, sa nhân, đường trắng; hàng nhập khẩu về là các nhu yếu phẩm như sa, đoạn, gấm vóc, vải, thuốc bắc, quần áo, tất, kính, giấy bút, mực, kim, cúc áo, bàn ghế, đồ đồng, hoa quả (cam, lê, táo, hồng), lương thực (bột mì, bánh, miến, trứng muối, bắp cải, đậu phụ, nấm hương). Vì qua lại thường xuyên, người Hoa nắm được thị hiếu của người Việt, thường mang sang những mặt hàng triều đình cần dùng để được giảm thuế và những mặt hàng được người dân ưa chuộng để kiếm lãi cao[10].

Các lái buôn Trung Quốc đi đường biển thường xuất phát từ Triều Châu, Quảng Châu, Thiều Châu, Phúc Kiến. Các thuyền buôn vào cửa sông Bạch Đằng, sông Thái Bìnhsông Đáy để đến Phố Hiến hoặc Kẻ Chợ.

Chúa Trịnh có quy định quản lý chặt chẽ những thương nhân người Hoa, nếu không có người quen hướng dẫn thì không được vào kinh thành; khi buôn bán ở Kẻ Chợ chỉ được cư trú tại Khuyến Lương không được ở lại kinh thành. Nhưng các thương nhân người Hoa vẫn không gặp nhiều khó khăn vì họ có sự hỗ trợ của những người Hoa sinh sống tại Đại Việt[11].

Ngoài vai trò buôn bán trực tiếp, Đại Việt còn là cảng xuất quan trọng cho các hàng Trung Quốc sang Nhật. Từ năm 1641 đến 1682, trên 40% số tơ nhập khẩu vào Nhật Bản do các thương nhân Trung Quốc mang đến từ Đại Việt[10].

Nhật Bản

Do chính sách cấm thông thương của nhà Minh, các thương nhân Nhật đã chuyển từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Đại Việt và một số nước Đông Nam Á.

Hàng hóa người Nhật mang đến là đồng, lưu huỳnh, vũ khí, vải bông, giấy, yên ngựa; họ mua về , vải thô, lụa, vải thưa, bạch đậu khấu, quế, thuốc nhuộm.

Các đối tác phương Tây

Bồ Đào Nha

Các giáo sĩ và thương nhân Bồ Đào Nha là những người đầu tiên đặt chân đến Đại Việt.

Khác với các thương nhân phương Tây khác, các thương nhân Bồ Đào Nha không đại diện cho công ty nào và không đến cư ngụ, mở thương điếm. Họ chỉ thông qua các trung gian để gom hàng hóa hoặc giao dịch. Các thuyền Bồ Đào Nha đến Đại Việt đều xuất phát từ Ma Cao chiếm được của Trung Quốc và khi giao dịch xong họ cũng trở về Ma Cao[12].

Hàng hóa họ mang đến Đại Việt gồm có: vũ khí, chì, đồng, kẽm, diêm sinh, cánh kiến; họ mua về lụa, đường, trầm hương, kỳ namcá khô.

Hà Lan

Các lái buôn Hà Lan tiếp cận với thị trường Đàng Ngoài qua các lái buôn Nhật Bản từ năm 1637. Dù đã dùng cách đút lót, các thương gia Hà Lan vẫn không được chúa Trịnh cho mở thương điếm ở Thăng Long mà chỉ được vào Phố Hiến. Đến năm 1644, họ mới thực hiện được ý định này.

Việc buôn bán này thực chất là sự trao đổi giữa 2 thương điếm của công ty Đông Ấn Hà Lan tại Nhật Bản (tên là Hirodo) và thương điếm ở Phố Hiến. Người Hà Lan mua bạc của Nhật để thanh toán cho các loại tơ (tơ Đại Việt và tơ Trung Quốc mua tại thị trường Đàng Ngoài), lụa, quế, sa nhân, đồ gốm... Hàng hóa mua từ Đại Việt được thu gom tại Phố Hiến và mang sang Nhật bán cho người Nhật[13].

Anh

Công ty Đông Ấn Anh bắt đầu chú ý đến Đại Việt từ đầu thế kỷ 17. Năm 1616, người Anh đến Đàng Ngoài buôn bán nhưng không có kết quả.

Năm 1672, người Anh quay lại. Năm 1673, họ được mở thương điếm ở Phố Hiến và sau chuyển lên Kẻ Chợ. Tuy nhiên, việc buôn bán của người Anh gặp khó khăn do phải thông qua các quan lại của triều đình Lê-Trịnh. Vì vậy, người Anh đóng cửa thương điếm vào năm 1697. Sau đó thỉnh thoảng các tàu Anh mới đến Đàng Ngoài và tới năm 1720 thì chấm dứt hẳn[14].

Pháp

Khi các thương nhân Pháp sang Đại Việt, họ được sự trợ giúp thông tin rất nhiều từ các giáo sĩ trong Hội truyền giáo hải ngoại[15].

Sau lần đầu không thành công năm 1669 do chính sách cấm đạo, năm 1680, người Pháp đã bắt đầu tiếp cận được thị trường Đàng Ngoài. Nhờ quan hệ tốt và hàng hóa bán rẻ hơn người Anh, người Pháp được mở thương điếm tại Phố Hiến.

Tuy nhiên, do hoạt động của thương điếm không hiệu quả và có dính dáng tới việc truyền đạo nên bị triều đình Lê-Trịnh nghi ngờ. Năm 1682, công ty Đông Ấn của Pháp phải rút lui khỏi Phố Hiến.

Ảnh hưởng của ngoại thương đối với nền kinh tế

Ngoại thương Đại Việt đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài đối tác truyền thống đã có thêm nhiều đối tác phương Tây. Ảnh hưởng đối với nền kinh tế trong nước khi đó rất lớn[16]:

  • Một số ngành kinh tế trong nước được kích thích phát triển như ươm tơ, làm gốm, làm đường... Sản phẩm xuất khẩu nhiều, làm cho kinh tế hàng hóa phát triển, vì vậy nông nghiệp và thủ công nghiệp bớt đi tính tự cung tự cấp.
  • Ngoại thương thúc đẩy buôn bán kinh doanh trong nước và giúp các thương nhân tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm
  • Tiếp cận với thị trường phương Tây giúp thị trường tiêu thụ của Đại Việt phát triển hiện đại hơn.
  • Đánh thuế tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán tạo nguồn thu cho chi tiêu của triều đình.

Tuy nhiên, ngoại thương thời kỳ này vẫn có một số hạn chế. Sang thế kỷ 18, thuyền buôn nước ngoài đến thưa dần. Sau thời kỳ hưng khởi, ngoại thương Đại Việt suy tàn vào cuối thế kỷ 18 do những nguyên nhân sau[17]:

  • Hạn chế trong chính sách ngoại thương của những người cầm quyền. Triều đình đặt ra nhiều thể lệ, quy định phiền hà; thủ tục đánh thuế tùy tiện, phân biệt thuyền phương Đông và phương Tây; thuế đánh cao hay thấp không phụ thuộc vào số lượng hàng hóa mà phụ thuộc vào sở thích tiêu dùng của triều đình. Chính sách độc quyền trong ngoại thương chỉ dành cho giới quý tộc và quan lại khiến nảy sinh tệ tham nhũng: các lái buôn phương Tây muốn mua hàng phải đặt tiền trước cho quan lại và không được mua trực tiếp từ dân, khiến họ bị thiệt thòi.
  • Khi chiến tranh Trịnh-Nguyễn bùng nổ, hai chúa đều cần vũ khí và do đó việc mở rộng quan hệ với phương Tây là nhu cầu thiết thực. Khi chiến tranh chấm dứt (1672), chúa Trịnh (và cả chúa Nguyễn) không còn mặn mà trong việc buôn bán với người phương Tây. Khi mệt mỏi với việc xâm nhập thị trường Đại Việt, các thương nhân phương Tây lại bị thu hút bởi sự hé mở của thị trường Quảng Đông gần kề và chuyển qua đó.
  • Tình hình các nước tư bản phương Tây không ổn định. Các cuộc chiến giành giật đất đai giữa Hà LanTây Ban Nha, giữa Anh và Pháp cũng như các cuộc cách mạng tư sản tại đây gây ra biến động chính trị làm ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán.